Trở lại (Back)
  ’Chứng chỉ’ đêm tân hôn (-C)
Hạnh Phúc Gia Ðình Xin bấm vào đây để in trang này ra  
 
Đừng tin vào 'chứng chỉ' đêm tân hôn

“Tôi vô cùng thất vọng, đau khổ khi người con gái mà tôi yêu và trân trọng lại lừa dối mình. Cô ấy không để lại máu trên giường tân hôn như mọi trinh nữ khác” - một độc giả viết. Nhiều người khác cũng có chung một tâm sự như vậy khi viết thư cho VnExpress.

Việc chảy vài giọt máu trong lần quan hệ tình dục đầu tiên đang được nhiều người coi là “thước đo của sự trinh bạch”, nó chứng tỏ màng trinh rách do lần chung đụng xác thịt đầu tiên. Suốt hàng nghìn năm, màng trinh được coi là “người bảo vệ sự trong trắng của phụ nữ chưa chồng”, xuất phát từ quan niệm, đã là trinh nữ thì màng trinh phải nguyên vẹn mà bằng chứng là việc chảy máu trong đêm tân hôn. Đã có không biết bao cô gái chịu oan ức khi không có cái dấu hiệu đó trên giường cưới, và cũng có chừng ấy đức lang quân chỉ vì tấm drap vẫn trắng tinh mà ruồng rẫy vợ và cay đắng trách mình chẳng biết nhìn người.

Tất cả họ đều đã bị đánh cắp niềm vui ân ái một cách oan uổng, vì theo các chuyên gia, mấy giọt máu ấy không thể cho biết người con gái còn nguyên vẹn hay không; và sự tồn tại của màng trinh cũng không thể chứng minh cô ta đã bao giờ quan hệ tình dục chưa. Trên thực tế, nhiều phụ nữ sinh ra đã không có màng trinh, hoặc do một tai nạn vô tình (khi tập thể thao, trèo cây…) mà miếng da mỏng manh ấy đã rách mất từ thời niên thiếu, chính cô ta cũng không biết được. Theo khảo sát của VnExpress với gần 9.600 phụ nữ tham gia, chỉ hơn một nửa (54%) có chảy máu trong lần quan hệ đầu tiên; 17% không biết rõ và 29% không hề có chảy máu. Như vậy, giả sử tất cả đàn ông đều dựa vào đó để đánh giá sự trinh nguyên của vợ thì sẽ có gần 1/3 số phụ nữ phải ngậm hờn nuốt tủi vì oan ức sau đêm đầu tiên với chồng.

Trên thực tế, số nam giới có quan điểm sai lầm đó không phải ít. Trong một box trưng cầu ý kiến dành cho nam giới đặt ngay tại trang Sức khỏe – nơi cung cấp thường xuyên các kiến thức về giới tính - vẫn có 27% trong số hơn 10.200 phiếu cho rằng người con gái chắc chắn chảy máu trong lần quan hệ tình dục đầu tiên, gần 10% không biết. Có thể tin rằng chủ nhân của 2 loại ý kiến này đều mang tâm trạng của kẻ bị đánh lừa nếu gặp người vợ không có tín hiệu màu hồng; bởi ngay cả những đấng mày râu vốn biết chắc trinh nữ có thể không chảy máu thì vẫn thấy nghi ngờ và dằn vặt khi ở vào hoàn cảnh tương tự. Văn Hùng - một tân lang 29 tuổi - viết cho VnExpress sau đám cưới: “Trong lần đầu, vợ tôi không hề đau đớn hay sợ hãi như các cô dâu mới thường thế, cũng chẳng có giọt máu nào. Dĩ nhiên tôi biết nhiều cô gái trinh không có dấu hiệu đó, nhưng cũng không thể loại trừ khả năng cô ấy đã ‘cho’ người khác trước khi đến với tôi. Xin tòa soạn cho biết một vài dấu hiệu khác để biết được tôi có phải là người đàn ông đầu tiên của vợ mình không”.

Các chuyên gia khẳng định, không thể dựa vào bất kỳ biểu hiện vật chất nào để khẳng định trinh tiết của một cô gái. Đây là vấn đề mà y học bó tay. Vì vậy, tất cả đều phụ thuộc vào suy nghĩ của người chồng. Nếu như sự nghi ngờ vô lý có thể đập vỡ hạnh phúc thì ngược lại, sự tin tưởng sẽ khiến cả hai yêu nhau hơn. Trường hợp của Hạnh và Sơn là một ví dụ. Sau buổi tối đầu tiên, Hạnh ngạc nhiên thấy khăn trải giường vẫn sạch sẽ. Cô băn khoăn dò xét chồng nhưng anh chẳng nói gì về chuyện đó, thái độ vẫn ân cần. Cuối cùng, Hạnh gạn hỏi và bị chồng cốc vào đầu: “Anh có phải thằng ngốc đâu mà phải dựa vào đó mới biết em trong trắng? Vả lại, ngay cả khi sự thật trái với điều anh nghĩ thì em vẫn có nhiều thứ đáng giá hơn chữ trinh gấp mấy lần”. Hạnh nghĩ, không cô dâu mới nào có thể hạnh phúc hơn cô vì đã lấy được một người chồng có suy nghĩ khoáng đạt như vậy.

Còn những người đàn ông nhất định lấy máu trinh làm chứng chỉ trinh tiết thì sao? Họ sẽ cố tìm được một người vợ “chưa từng cùng ai” dù phải bớt đi những tiêu chuẩn quan trọng khác. Tuy nhiên, với tỷ lệ 29% phụ nữ không thể có “chứng chỉ đêm tân hôn” như điều tra của VnExpress, sẽ có nhiều đức lang quân được hưởng “cái ngàn vàng” mà không hề biết để tự thỏa mãn. Trong khi đó, nhiều vị khác lại vớ được “bằng giả”. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng cho ca phẫu thuật nhỏ là một người đàn bà đã trở lại trong trắng sau thời gian điên đảo tình trường. Đơn giản hơn, một số cô dâu bố trí ngày cưới vừa đúng khi kinh kỳ chấm dứt, để chàng có được chút máu như mong muốn. Và với những người đàn ông quá coi trọng chữ trinh, khi phát hiện ra sự thật này, không cơn bão lòng nào có thể tàn phá họ mạnh hơn.

Nguồn: Hải Hà - VnExpress
Ca/đồng dao & thơ Cùng bé ca hát Cùng chơi với bé Hạnh phúc gia đình
Kể chuyện bé nghe Phòng tranh Sổ tay phụ huynh Sức khỏe/dinh dưỡng